Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua vay vốn tài trợ cho Dự án Thành phần 3 – Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, ACV đã ký kết văn kiện tín dụng với Vietcombank với tư cách là ngân hàng đầu mối và đại lý quản lý tài sản đảm bảo, đồng thời ký với VietinBank và BIDV (các ngân hàng cho vay hợp vốn) để tài trợ cho dự án trên.
Tổng số tiền vay vốn là 1,8 tỷ USD. Mục đích vay là tài trợ cho các nhu cầu tín dụng hợp pháp, hợp lệ liên quan đến việc đầu tư dự án.
Thời gian vay các ngân hàng quốc doanh là 20 năm. Biện pháp đảm bảo là tài sản hình thành từ dự án (các hạng mục được phép thế chấp) cho dù các tài sản này đang có hay sẽ hình thành trong tương lai.
Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD. Dự án có 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 99.000 đồng.
Cổ phiếu ACV đang là tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi liên tục tăng mạnh để quay về mức xấp xỉ đỉnh lịch sử, qua đó đưa giá trị vốn hóa vượt mặt nhiều công ty niêm yết quy mô lớn.
Mã chứng khoán này đang dao động quanh mức 98.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp rưỡi so với thời điểm đầu năm và liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới. Thanh khoản cũng nhảy vọt 3 lần lên khoảng 400.000 cổ phiếu/phiên trong một tháng gần nhất.
Đà tăng giá cổ phiếu cũng giúp vốn hóa thị trường của ACV tăng vọt lên 212.900 tỷ đồng (gần 8,4 tỷ USD). So với thời điểm đầu năm, con số này đã tăng thêm gấp rưỡi (tức tăng gần 75.000 tỷ đồng hay gần 3 tỷ USD vốn hóa).
ACV hiện là đơn vị độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước; đồng thời được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn quốc.
Hoạt động kinh doanh của tổng công ty đã hồi phục mạnh mẽ sau Covid-19. Năm 2023, ACV lần đầu tiên cán mốc doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 21% so với năm 2022, đạt mức kỷ lục gần 8.500 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm 2024, “gã khổng lồ” hàng không này tiếp tục có bước nhảy vọt trong kinh doanh khi doanh thu thuần đạt 5.644 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi.
Lợi nhuận sau thuế ở mức 2.921 tỷ đồng, tăng 79% so với quý I/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 79% lên 2.917 tỷ. Đây đều là các con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Quy mô tổng tài sản đạt hơn 67.000 tỷ đồng, phần lớn trong đó là tiền và tiền gửi ngân hàng có tổng giá trị gần 26.600 tỷ đồng. Tổng công ty có vay nợ hơn 10.000 tỷ đồng (chủ yếu được tài trợ bằng vốn ODA), vốn chủ sở hữu đạt hơn 53.000 tỷ đồng.
ACV đang ghi nhận khoản trả trước hơn 1.585 tỷ đồng cho Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS và 514 tỷ đồng cho Vinaconex, đây là 2 công ty trong liên doanh Vietur đang thực hiện gói thầu lớn nhất của Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.