Chiều 14/5, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 sau khi gia hạn hai tuần so với quy định công bố thông tin.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, doanh nghiệp này ghi nhận 2.856 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê từ báo cáo hàng tháng của Vĩnh Hoàn, doanh thu cá tra trong quý I của doanh nghiệp đạt 1.463 tỷ, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 51% nguồn thu của Vĩnh Hoàn.
Giá vốn hàng bán tăng tới gần 41% khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 9,3% kỳ này, trong khi quý I/2023 đạt 17,2%. Theo thống kê đây là quý ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp thấp nhất kể từ quý IV/2014.
Nguồn thu từ hoạt động tài chính tăng 29% lên 107 tỷ đồng do tăng lãi tỷ giá. Trái lại, chi phí tài chính giảm 62% so với cùng kỳ còn 34 tỷ đồng do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá, giảm chi phí lãi vay đồng thời được hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư.
Trừ đi các chi phí tăng không đáng kể, Vĩnh Hoàn lãi sau thuế 189 tỷ đồng, giảm 16% so với quý I/2023.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 22% còn 170 tỷ do giá bán sản phẩm cá tra giảm. Dù suy giảm lợi nhuận ròng so với cùng kỳ song lãi ròng đã có sự cải thiện so với quý IV/2023 – quý ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý IV/2025.
Năm nay, Vĩnh Hoàn lên hai kịch bản kinh doanh. Ở kịch bản thấp, doanh nghiệp đề ra kế hoạch 10.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 7% còn lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến giảm 13% so với năm ngoái còn 800 tỷ đồng.
Ở kịch bản tích cực hơn, Vĩnh Hoàn đề ra mục tiêu doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, 1.000 tỷ lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ; tăng lần lượt 15% và 9% so với năm 2023.
Như vậy, với kịch bản thấp, Vĩnh Hoàn đã thực hiện được 27% chỉ tiêu doanh thu và 21% kế hoạch lợi nhuận năm. Còn ở kế hoạch tích cực hơn, doanh nghiệp cá tra này đã đạt 25% doanh thu năm và 17% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Theo Chứng khoán An Bình (ABS) cập nhật sau buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên giữa tháng 4, giá triển vọng kinh doanh năm 2024 của Vĩnh Hoàn sẽ lạc quan hơn nhờ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu hồi phục dần khi lạm phát hạ nhiệt.
Nhưng ABS vẫn lưu ý về tốc độ hồi phục có thể vẫn ở mức chậm. Thêm vào đó, với việc người dân e ngại việc thả nuôi lứa mới do tình hình khó khăn năm 2023, dự kiến nguồn cung cá tra có khả năng sẽ thiếu hụt, góp phần hỗ trợ sự tăng giá của cá tra trong năm 2024.