Thu nhập đến 7 tỷ đồng/tháng
Theo báo cáo thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và ban điều hành trong quý I/2024, Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (Mã: VFG) đã chi ra số tiền tổng cộng hơn 64 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là bà Nguyễn Bạch Tuyết – Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc – nhận thu nhập lên đến 22,4 tỷ đồng trong quý đầu năm, gấp 4,5 lần cùng kỳ. Tính riêng mỗi tháng, người đứng đầu HĐQT thu về 7,45 tỷ đồng.
Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Trương Công Cứ nhận thu nhập hơn 20,5 tỷ đồng, tương đương với khoảng 6,85 tỷ đồng mỗi tháng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Một thành viên điều hành khác có thu nhập đột biến là ông Trần Văn Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc – nhận về hơn 15,8 tỷ đồng, gấp 3,8 lần quý I/2023 và tương đương 5,27 tỷ đồng/tháng.
Các nhân sự khác trong HĐQT và ban điều hành cũng được tăng thu nhập tương ứng gấp đôi cùng kỳ. Thành viên Ban kiểm soát cũng được tăng thu nhập thêm 25% trong quý đầu năm.
Con số này là cao vượt trội so với lãnh đạo nhiều công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán, thậm chí là cả những lãnh đạo tập đoàn quy mô lớn. Chẳng hạn như Chủ tịch HĐQT Phát Đạt nhận mức thù lao gần 483 triệu đồng, người được trả thù lao cao nhất MWG là ông Robert Willett chỉ 564 triệu đồng, tổng thu nhập của HĐQT và ban tổng giám đốc SSI là 5,1 tỷ đồng, tiền lương trung bình của thành viên HĐQT Vietjet là gần 232 triệu đồng…
Một công ty có ngành nghề tương đồng là Tập đoàn Lộc Trời chi trả 900 triệu đồng cho Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn và trả 1,11 tỷ đồng cho các thành viên quản lý chủ chốt khác trong quý đầu năm.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về mức sống dân cư năm 2023, trong năm ngoái, thu nhập bình quân 1 tháng theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng. Trong đó, nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất) có thu nhập bình quân 1 tháng đạt 10,86 triệu đồng/người.
Lợi nhuận liên tiếp lập đỉnh
Lãnh đạo công ty được tăng thu nhập trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty Khử trùng Việt Nam diễn biến tích cực. Sự đột biến bắt đầu từ 2022 khi công ty bắt tay với đối tác chiến lược Syngenta để phân phối độc quyền nhiều sản phẩm nông dược.
Giai đoạn trước đó, công ty hoạt động ổn định với quy mô doanh thu quanh 2.000 tỷ và lợi nhuận dao động tại mức 150 tỷ đồng. Các chỉ tiêu bất ngờ tăng trưởng mạnh khi lập đỉnh doanh số 3.262 tỷ đồng trong năm 2023 và lợi nhuận sau thuế kỷ lục 296 tỷ đồng.
Năm 2024, Khử trùng Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 135 lên 3.690 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế nhích nhẹ hơn 1% lên 300 tỷ đồng. Đây có thể là con số kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận.
Trong quý đầu năm 2024, công ty tiếp tục có kết quả khả quan. Doanh thu thuần tăng 40% so với cùng kỳ đạt gần 966 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thậm chí tăng 67% đạt hơn 230 tỷ đồng, đưa biên lãi gộp tiếp tục cải thiện lên mức gần 24%.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, lần lượt bằng 200% và 157% cùng kỳ 2023. Kết quả, VFG lãi ròng 78,7 tỷ đồng, tăng 38% so với quý 1/2023. Đây là mức lợi nhuận quý cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, chỉ sau con số kỷ lục đạt được quý cao điểm cuối năm 2023.
Ban lãnh đạo lý giải do giá một số nông sản chính như gạo, sầu riêng, cà phê… tăng, công ty tận dụng tăng cường các hoạt động phục vụ bán hàng làm cho doanh thu tăng, cân đối dòng tiền và các khoản chiết khấu, đẩy mạnh chiến lược marketing và quảng cáo bán hàng.
Bên cạnh đó, việc cân đối sử dụng hợp lý vốn vay làm cho chi phí tài chính giảm và tận dụng tốt kênh đầu tư tài chính ngắn hạn dẫn đến doanh thu hoạt động tài chính tăng, góp phần làm tăng lợi nhuận trong kỳ.
Với kết quả trên, công ty đã thực hiện hơn 26% kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận năm, dù đây chưa phải là quý cao điểm trong năm.
Công ty Khử trùng Việt Nam được thành lập từ năm 1960, hiện có 2 mảng kinh doanh chính là dịch vụ khử trùng và kinh doanh nông dược (thuốc bảo vệ thực vật và phân bón). Đây đang là một công ty thành viên của PAN Group.
Công ty hiện có vốn điều lệ 417 tỷ đồng, niêm yết cổ phiếu VFG trên sàn HOSE từ tháng 4/2021 đến nay. Mã chứng khoán này cũng đang bứt phá lên vùng đỉnh lịch sử quanh 70.000 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm.
Đây cũng là một công ty có chính sách trả cổ tức cao và ổn định bằng tiền mặt trên thị trường, thường xuyên dao động trong khoảng 25-30%. Công ty chốt phương án trả cổ tức năm 2023 là 30% bằng tiền và kế hoạch cho 2024 là thận trọng ở mức 20%.
Ngoài nhận thu nhập cao đột biến trong quý đầu năm, dàn lãnh đạo VFG còn được hưởng lợi từ giá cổ phiếu tăng khi nắm lượng cổ phần đáng kể.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Tuyết và người thân nắm giữ gần 2,5 triệu cổ phiếu VFG (tỷ lệ 5,98%). Tổng giám đốc Trương Công Cứ và người thân có tổng cộng 786.773 cổ phiếu (tỷ lệ 1,89%)…
CTCP PAN Farm hiện là cổ đông lớn nhất, cũng là công ty mẹ, nắm giữ trực tiếp gần 21,4 triệu cổ phiếu VFG, tỷ lệ 51,25% vốn.