Biến đổi khí hậu khiến vụ mùa của nông dân miền Tây càng ngày càng bấp bênh và thất thường. Trong các sự lựa chọn để cải thiện sinh kế, ly nông – di cư là con đường nông dân miền Tây lựa chọn đầu tiên. Những căn nhà ở vùng hạn mặn hầu như không còn người trẻ, tốc độ già hóa dân số ở một vùng quê nghèo cứ thế tăng lên.
Hạn mặn bủa vậy huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Xót xa sinh kế ly hương
Cầm điếu thuốc rít một hơi thật sâu, tay chân run rẩy, ông Nguyễn Văn Kép (SN 1940, Cà Mau) than thở: “Tết vừa rồi tụi nó không về, tui cũng không biết mình còn đón được với tụi nó mấy cái Tết nữa”.
Ông Kép có 5 công đất để lại cho các con trồng lúa nhưng vì thất mùa liên tục nên năm 2016, con trai ông Kép là anh Nguyễn Thành Được (SN 1971) đã cho thuê lại đất với giá 1,2 triệu/công/năm rồi gói ghém tiền đưa vợ và con trai lên Bình Dương lập nghiệp, mưu sinh.
Đó là năm gió chướng, ông Kép vẫn nhớ rõ như in sau Tết Bính Thân 2 tuần, trên bờ lan can phủ đầy rêu ấy, ông ngồi đưa mắt tiễn con trai, con dâu cùng cháu nội lên Bình Dương hiện thực hoá ước mơ đổi đời.
“Thấy làm ăn ở nhà không có tiền, trồng lúa năm nào cũng thất mùa, đất này đất mặn có trồng thì trồng thêm chuối thêm dừa, vậy thì sao mà sống”, ông Kép kể.
8 năm trôi qua, số lần con về thăm quê chưa đầy 1 bàn tay nhưng ông Kép vẫn cố nhẩm giọng đếm đi đếm lại vì sợ mình đãng trí rồi quên. Trong âm giọng tiếng được tiếng mất, ông Kép từ tốn nói như một cách giải thích cho con:
“Ở xứ này người ta đi nhiều lắm cô ơi. Ai cũng nghe người này, người kia kể đi xa làm ăn mới lên, về họ sắm cả cây vàng, ai cũng ham nên đi hết ráo”.
Ông Kép nhắc về cháu nội 12 tuổi rời quê theo cha mẹ lên Bình Dương được cho ăn học bằng lương công nhân, rồi ông nói:
“Nếu cha con nó ở nhà, thằng nhỏ chắc không được đi học như bây giờ đâu. Cha mẹ nó đi xa mới có tiền cho ăn học, còn ở quê trồng lúa biết chừng nào giàu, biết chừng nào mới có tương lai”.
Những đứa trẻ chưa “biết mặt” quê hương
Chập tối, căn phòng gần 70m2 tại trụ sở khu phố Long Bửu, phường Long Bình, TP Thủ Đức bắt đầu sáng đèn, rộng cửa đón các học sinh đặc biệt. Hơn 30 em từ 7 đến 16 tuổi bắt đầu chia bàn: lớp tiểu học ngồi trên, lớp trung học ngồi dưới. Trong cùng một phòng, nề nếp đều được thông qua.
Nói với chúng tôi, anh Trần Lâm Thắng (khu phố Long Bửu, phường Long Bình, TP Thủ Đức), chủ nhiệm lớp học tình thương Long Bửu cho biết:
“Đa phần các em học sinh ở lớp học Long Bửu có cha mẹ làm công nhân, đi từ miền Tây lên và đăng ký tạm trú ở địa phương. Các em từ lớp 1 đến lớp 5 ra đời rất sớm, thường phải đi làm phụ giúp ba mẹ ở tuổi còn rất nhỏ”.
Thương những đứa trẻ không biết mặt con chữ, anh Thắng – bảo vệ dân phố đã mở lớp học tình thương Long Bửu. “Người thầy” bất đắc dĩ này thở dài với chúng tôi: “Mấy đứa không được học hành, thiếu cơm ăn, áo mặc tội nghiệp lắm. Ba mẹ thì đi làm suốt không có thời gian lo”.
Anh Thắng kể, phụ huynh không có đủ điều kiện cho con ăn học, đến tuổi có thể lao động thì đám trẻ được cho đi vác gạch ở lò gần đó kiếm thêm tiền để phụ giúp gia đình.
Rời quê nhà, nỗi bận tâm duy nhất của các bậc làm cha mẹ là cơm áo gạo tiền, con chữ và kiến thức là hai thứ xa vời nhất. Thế nhưng, họ không biết rằng con chữ và tương lai của con cái mới là thứ đưa họ thoát khỏi cái vòng đói nghèo luẩn quẩn.
Những thế hệ di cư đầu tiên
Đi dọc các tuyến kênh trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào những ngày giữa tháng 3, ập vào mắt chúng tôi là cảnh chằng chịt băng keo đỏ kèm theo những dòng cảnh báo “Khu vực cấm vào” hay “Đường nguy cơ sụp lún”.
Loay hoay tìm đường đưa máy cắt vào ruộng tránh đường lún, một người nông dân than trời: “Oải quá, chục năm rồi mới làm lúa lại mà bị một vố này nhức nhối”.
Nghe hàng xóm than, bà Nguyễn Kim Khen (SN 1964, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) thở dài: “Mình mà như họ chắc chỉ biết khóc. Bây giờ đường hư máy cắt vào không được, xe chở ra cũng không xong”.
Một tháng trước, con đường tỉnh rộng khoảng 2,5m trước cửa nhà bà Khen bung khỏi mặt đất rồi nứt toang, nghiêng xuống sông tạo ra rãnh sâu hút trên mặt đường. Sụt lún, sạt lở bủa vây ngay thời điểm thu hoạch, người dân rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu muốn đưa lúa ra điểm tập kết phải giảm giá thành cho thương lái, cứ như thế lúa từ gần 9.000 đồng/kg bị đẩy xuống sát mức 7.000 đồng/kg.
“Hôm trước ST25 tôi bán 8.800 đồng, hôm nay nghe đâu người ta chỉ bán được 7.300 đồng. Đường càng sụp, giá lúa càng giảm”, bà Khen nói.
Con đường trước cửa nhà bà Khen nứt toác khiến giá lúa người dân giảm sâu.
Địa phận tỉnh Cà Mau có 3 bề giáp biển, thủy phận không có dòng nước ngọt sông Hậu, sông Tiền chảy vào, thuộc vùng ngập mặn, người dân sinh hoạt phụ thuộc vào nước mưa, nước máy khiến việc canh tác, trồng trọt, làm ruộng khó khăn. Riêng huyện Trần Văn Thời được xem là thủ phủ nông nghiệp của tỉnh Cà Mau nhưng lại là huyện gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của hạn, xâm nhập mặn.
Mỗi năm người dân huyện Trần Văn Thời có hai vụ lúa (hè thu và đông xuân). Tuy nhiên, người dân không có quyền quyết định giá thành lúa gạo do họ sản xuất bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào thiên tai. Sau khi thu hoạch vụ thứ nhất, thời gian đợi rửa mặn, họ nhận hàng thủ công về làm kiếm tiền hoặc có người lên thành phố làm thời vụ.
Hoặc nếu có gia đình làm lúa được, họ cũng cho con đi học xa rồi lập nghiệp ở xa. Ví như vợ chồng bà Nguyễn Kim Khen có 3 cậu con trai đều học tập và làm việc ở ngoài tỉnh, bắt đầu thế hệ ly hương đầu tiên.
UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, đến đầu tháng 4, trên địa bàn 9 xã của huyện này ghi nhận hơn 500 vụ sụt lún, với tổng chiều dài gần 20.000m, sạt, lún đất gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong vòng 1 ngày, các xã trên địa bàn huyện này ghi nhận thêm hàng chục vụ sạt, lở đất.
Theo ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, một số tuyến lộ của xã này có đến 70% đất bị sạt, lún.
Theo đánh giá của UBND huyện Trần Văn Thời, do thời điểm những tháng cuối năm còn xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ một số nơi, dưới áp lực từ phía người dân, cán bộ địa phương, UBND huyện đã cho mở cống để xả thải nước ở mức hạn chế nhưng mực nước hạ xuống rất nhanh.
Ngoài ra, nắng hạn việc bốc hơi nước diễn ra nhanh cộng với việc bơm tác nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn, trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, làm mất phản áp gây sụt lún; đồng thời khoảng lưu không (chiều rộng bờ sông, kênh, rạch) từ mép mặt đường đến mép kênh hẹp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất.