Gia đình có con nhỏ đều biết trẻ rất hiếu động, thường hay thích mày mò, khám phá những thứ lạ lẫm. Những đồ dùng trông có vẻ “hay ho” như chìa khóa, ổ điện… thường làm chúng trở nên tò mò và đôi khi gây ra những tình huống ngoài tầm kiểm soát của ba mẹ.
Mới đây, Giang Ơi cũng chia sẻ gia đình vừa trải qua một tình huống “toát mồ hôi hột” khi con gái nhỏ 2 tuổi tự khóa trái cửa phòng rồi không biết cách mở ra. Và dưới đây là những cách mà cô đã làm. Gia đình nào có con nhỏ hẳn thấy cảnh này quen quen, nên tự đề phòng và chuẩn bị trước nhé.
1. Bình tĩnh lấy túi đựng chìa khóa sơ cua
Giang Ơi đã chuẩn bị túi chìa khóa sơ cua đề phòng trường hợp bất trắc. Tuy nhiên tình huống xấu lại xảy ra khi căn phòng Mây khóa trái cửa lại không có sẵn chìa. Dù chưa áp dụng được nhưng đây cũng là điều các gia đình có con nhỏ nên lưu tâm chuẩn bị.
“Mẹ vẫn rất bình tĩnh đi lấy túi đựng chìa khoá, cho đến khi nhận ra chìa khóa phòng làm việc của ba không có trong đó (cái nhãn ghi “mini office” là office của tôi chứ không phải của anh ta). Tới đây, không khí gia đình lập tức thay đổi theo chiều hướng xấu hơn”, Giang Ơi chia sẻ.
2. Sử dụng công nghệ giúp con nín khóc
Hai vợ chồng cùng am hiểu về công nghệ đã có ích trong trường hợp này. Giang Ơi sử dụng airplay để đồng bộ điện thoại với màn hình tivi. Sau đó, bật bài hát, phim hoạt hình để trấn an nỗi sợ của con gái. Sử dụng cách này thì các gia đình cần phải có thiết bị tivi trong phòng, thêm vào đó là sử dụng điện thoại có hỗ trợ cách làm này.
Bấm điện thoại tiếp, dùng ứng dụng home kit bật máy lạnh trong phòng lên. Trong khi đó, gọi điện năn nỉ van xin thợ khóa đến nhà ngay lập tức…
“Sau một hồi mẹ hốt hoảng mặt xanh rớt không còn giọt máu, cuống quýt đứng ngoài múa hát dỗ con nín khóc nhưng không thành, ba nghĩ ra sáng kiến bấm điện thoại, dùng airplay phát hoạt hình lên màn hình máy tính phía trong phòng. Thế là tiếng khóc dừng lại…”, Giang Ơi kể lại.
3. Gọi thợ khóa
Đây là bước đầu tiên cần làm sau khi không tìm thấy chìa khóa sơ cua cho phòng đó. Trong lúc đợi thợ đến, ba mẹ có thể trấn an con bằng cách thứ 2. Bé còn nhỏ nên việc chỉ cho bé cách mở lại cửa là không khả thi, tuy nhiên, những khi rảnh rỗi, ba mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn con, đồng thời nhắc nhở con thật cẩn thận không nên tự ý nghịch, khóa trái cửa như vậy rất nguy hiểm.
“Một lúc sau, thợ khoá tới và bắt đầu công việc… TRONG SUỐT 1 TIẾNG ĐỒNG HỒ SAU ĐÓ! Thế rồi ổng cũng bó tay và hỏi cái khoan đâu. Thật bi kịch, cái khoan cũng ở trong phòng mất rồi. Mượn máy khoan của hàng xóm thì sao? Không được luôn, vì chính hàng xóm cũng toàn qua đây mượn máy khoan mà. Vậy là tốn thêm thời gian đợi ông thợ khoá chạy về lấy máy khoan quay lại. Mỗi phút trôi qua cảm giác như đang phải giữ động tác plank, cứ dài vô tận…
Cuối cùng thì ông thợ khoá cùng cái khoan cũng trở lại, coi như phương án cuối cùng là huỷ luôn cái ổ khoá. Tiếng khoan vang lên ồn chát chúa, em bé khóc thét lên trong phòng. Sau mỗi nhát khoan, chú lấy dụng cụ gạt gạt rồi cậy cậy tiếp, nếu được thì coi như xong còn nếu không ra thì lại khoan tiếp. Mỗi lần như thế là một lần hy vọng rồi lại thất vọng rớt tim một nhịp”, nữ beauty blogger kể lại.
Kết thúc buổi tối nhiều trải nghiệm.
Hy vọng các ba mẹ đã có thêm kinh nghiệm để xử lý những tình huống như trên. Gia đình có con nhỏ nên chuẩn bị toàn bộ chìa khóa sơ cua cho tất cả các phòng, dạy con không khóa trái cửa hoặc có phương án dùng then cài trên cao… tránh trẻ nhỏ nghịch ngợm. Còn nếu rơi vào tình huống như trên thì hãy bình tĩnh và áp dụng một số cách như Giang Ơi đã làm.