Nhu cầu tích trữ và phòng tránh lạm phát là hai trong số những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá trị của kim loại quý như vàng. Lịch sử đã cho chúng ta thấy giá trị của vàng luôn đi theo chiều hướng ổn định. Đây có thể coi là nguyên nhân chính giúp vàng luôn là tài sản tích trữ được người dân ưa chuộng.
Giá vàng luôn tăng tốt
Xét trên biểu đồ giá hàng năm, giá vàng năm 2013, cũng là khoảng thời gian thực hiện cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC cho thấy mặt hàng vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 34,7 triệu đồng/lượng. Cho đến thời điểm hiện tại, giá mặt hàng này đã tăng như vũ bão để leo lên đỉnh lịch sử cao nhất mọi thời đại trên vùng 82 triệu đồng/lượng.
Nhìn vào mức giá này sẽ thấy, vào năm 2013 bạn có thể mua một mặt hàng bằng giá trị của một lượng vàng thì sang tới năm 2024 bạn vẫn có thể mua được món hàng đó bằng một lượng vàng tương ứng, không có gì thay đổi. Điều này là bởi giá trị của vàng luôn tăng trong suốt 1 thập kỷ qua, biến động cùng chiều đi lên của lạm phát.
Điều đáng nói ở đây là vàng vẫn là mặt hàng tăng giá rất tốt ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Theo dữ liệu thống kê của WiGroup, giá vàng tăng mạnh giai đoạn xuất hiện COVID-19. Cụ thể, từ đầu năm 2020 (thời điểm xuất hiện COVID-19) đến nay, giá vàng đã tăng vọt từ vùng giá 42 triệu đồng/lượng lên mức 80 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng chưa tới 4 năm.
Cũng theo số liệu của chuyên gia tài chính cá nhân tại Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT tổng hợp từ các kênh đầu tư trong giai đoạn 1 năm trở lại đây thì vàng nhẫn nằm trong nhóm kênh đầu tư truyền thống sinh lời tốt khi mang về mức lợi nhuận gần 30% cho nhà đầu tư cá nhân.
Xếp sau vàng nhẫn lần lượt là cổ phiếu VN-Index với mức tăng 24%; vàng miếng SJC với mức tăng 22%; tiền gửi tiết kiệm chỉ tăng 4,7% và ngoại tệ USD tăng khiêm tốn 4%.
Ngược lại, kênh đầu tư bất động sản gồm cả chung cư và đất nền vùng ven hầu như không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư một năm qua, thậm chí còn lỗ nặng.
Điều này lý giải vì sao các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro không lớn sẽ lựa chọn vàng là tài sản tích lũy yên tâm và đáng tin cậy nhất.
Vàng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, tính thanh khoản cao
Trong thế giới đầu tư phức tạp như hiện nay, đa dạng hóa đầu tư là một chiến lược giảm thiểu rủi ro. Và đặc điểm độc đáo của vàng khiến nó trở thành tài sản vô giá để đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Cụ thể, vàng mang lại lợi ích đa dạng hóa do nó có mối tương quan ngược chiều với các loại tài sản khác, chẳng hạn như đồng USD, cổ phiếu và trái phiếu. Khi giá trị của các khoản đầu tư này biến động tăng hoặc giảm thì vàng thường biến động theo hướng ngược lại, mang lại hiệu ứng cân bằng giúp giảm rủi ro tổng thể cho danh mục của nhà đầu tư cá nhân.
Khả năng bù đắp tổn thất trong một loại tài sản bằng lợi nhuận ở loại tài sản khác là nguyên tắc cơ bản của đa dạng hóa danh mục đầu tư. Chưa hết, giá trị của vàng còn nằm ở chỗ thường tăng rất tốt trong thời kỳ kinh tế bất ổn và biến động thị trường. Điều này khiến nó trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro và duy trì danh mục đầu tư ổn định, linh hoạt.
Vàng còn là một trong những tài sản có tính thanh khoản cao nhất mà một nhà đầu tư cá nhân có thể lựa chọn. Hầu như lúc nào cũng có người mua vàng và việc bán vàng vật chất ở hầu hết các quốc gia đều khá dễ dàng. Chính vì thế, nhà đầu tư khi đã nắm giữ vàng tới khi xuất hiện nhu cầu ‘thanh lý’ thì có thể chốt lệnh bán và nhận tiền (đã bao gồm lợi nhuận) về túi một cách nhanh chóng.
Trước đó, chia sẻ tại buổi tọa đàm ‘Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững’ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 25/1, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ước tính đang có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân Việt Nam.
Theo ông Đạt, việc người dân tích trữ vàng không chỉ đơn thuần là phương tiện đầu tư mà là phương tiện trú ẩn, khi muốn giữ vàng để đề phòng bất trắc, rủi ro.