Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay trong 4 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.
Chẳng hạn với đường bay vàng Hà Nội – TP HCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines tăng 14% so với cùng kỳ, của Vietjet Air tăng 25%, Bamboo Airways tăng 11% hay Vietravel Airlines tăng 15%.
Theo báo cáo của ACV, sản lượng sản lượng hành khách quý I thông qua các cảng hàng không đạt gần 28 triệu lượt, tăng 1% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa và bưu kiện đạt 349.631 tấn trong quý đầu năm, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động hàng không sôi động trở lại và giá vé máy bay tăng cao đang giúp các công ty trong lĩnh vực này đạt kết quả khả quan, bao gồm cả các hãng hàng không và các công ty cung cấp hạ tầng, dịch vụ có liên quan.
3 hãng bay lãi đậm
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (Mã: HVN) vừa ngắt mạch 16 quý thua lỗ liên tiếp với khoản lợi nhuận sau thuế kỷ lục trong quý I năm nay, đạt hơn 4.400 tỷ đồng.
Kết quả này đến từ việc doanh thu thuần tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ đạt xấp xỉ 28.000 tỷ đồng. Doanh thu tăng khi thị trường vận tải phục hồi mạnh và cũng là cao điểm mùa lễ Tết, tổng công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế, cũng như mở thêm các đường bay mới.
Song khoản lợi nhuận kỷ lục của hãng này chủ yếu đến từ khoản thu nhập khác 3.030 tỷ đồng nhờ xoá nợ theo thỏa thuận trả.
Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air (Mã: VJC) báo cáo doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vietjet cho biết thêm đã khai thác gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển được hơn 6,3 triệu lượt hành khách, lần lượt tăng 10% và 16% so với cùng kỳ năm 2023. Vận chuyển hàng hoá quý đầu năm đạt 30.200 tấn, tăng 104%.
Tân binh trên thị trường là hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines cũng lần đầu tiên có lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng trong quý I/2024, sau hơn 3 năm đi vào khai thác.
Hãng đề ra kế hoạch kinh doanh trong tháng 4 tiếp tục có lãi để duy trì đà tăng trưởng với điều kiện khai thác đúng theo kế hoạch. Mục tiêu kinh doanh trong quý II đạt 1.049 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với con số 491 tỷ đồng quý I.
Doanh nghiệp phụ trợ lãi cao
Khi “bầu trời” sôi động thì các hoạt động phụ trợ hàng không cũng đang có bước tiến mới trong sản xuất kinh doanh. Đứng đầu trong chuỗi cung cấp dịch vụ và hạ tầng là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đã ghi nhận cột mốc mới trong lịch sử.
Theo đó, trong quý đầu năm, ACV chứng kiến doanh thu thuần tăng 19% đạt 5.644 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thậm chí tăng 79% so với cùng kỳ lên 2.921 tỷ đồng, thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới cho doanh nghiệp.
ACV hiện là đơn vị độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước; đồng thời được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác hệ thống 21/22 cảng hàng không trên toàn quốc.
Công ty vận tải hàng hóa hàng không là Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) chứng kiến doanh thu quý đầu năm tăng 25% lên 228 tỷ và lãi sau thuế tăng trưởng 30% đạt 147 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng đạt mức 68%.
Doanh nghiệp giải trình kết quả khả quan nhờ kinh tế phục hồi, khủng hoảng Biển Đỏ và sự đóng góp từ khách hàng mới Qatar Airways. Tổng sản lượng hàng hóa trong quý đầu năm tăng hơn 34% đạt 58.432 tấn.
Loạt doanh nghiệp phụ trợ khác cũng báo lãi cao như CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã: SAS) tăng 26% đạt gần 46 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ Hàng hoá Nội Bài (Mã: NCT) tăng 10% đạt gần 50 tỷ đồng, Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) có lợi nhuận tăng 46% lên 50 tỷ đồng, Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (Mã: MAS) tăng lãi 9,4 lần…
Thắng đậm nhờ khách quốc tế
Lợi nhuận các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không tăng mạnh ngay quý đầu năm đến từ tổng hòa nhiều yếu tố tích cực, như sự phục hồi chung về nhu cầu đi lại, giá vé máy bay tăng cao, hưởng lợi từ cao điểm mùa Tết và đặc biệt là sự trở lại của khách quốc tế.
Đối với các chặng bay quốc tế, các hãng hàng không trong nước không bị áp trần giá vé nên có thể đẩy giá vé lên cao, mang lại doanh thu lớn hơn và biên lợi nhuận tốt hơn so với bay nội địa.
Theo Vietnam Airlines, lợi nhuận đột biến của hãng có đóng góp đáng kể nhờ đẩy mạnh khai thác quốc tế, nỗ lực tái cơ cấu và yếu tố mùa vụ cao điểm. Riêng doanh thu vận tải quốc tế đã trở lại bằng giai đoạn trước COVID-19 với hơn 13.800 tỷ đồng, đóng góp 65% vào tổng doanh thu.
Vietjet Air cũng cho hay lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhờ vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng cùng hiệu quả từ các chương trình gia tăng doanh thu phụ trợ và tối ưu chi phí hoạt động. Vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng hơn 53% về số lượng chuyến bay và và 61% lượt khách so với cùng kỳ 2023.
Trong quý I, hãng đã mở mới 15 đường bay quốc tế và nội địa, nâng tổng số đường bay lên 140. Trong đó có tới 103 đường bay quốc tế tới Thành Đô, Tây An (Trung Quốc); Viêng Chăn (Lào); các đường bay đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia)…
Theo báo cáo của ACV, sản lượng hạ cất cánh quốc tế đạt 64.427 lượt/chuyến, tăng 37% so với cùng kỳ 2023. Lượng khách quốc tế tăng mạnh 47% lên gần 10,5 triệu lượt, trong khi khách quốc nội giảm 15% còn khoảng 17,5 triệu lượt.
Báo cáo sản lượng hàng hóa 4 tháng đầu năm, SCS ghi nhận 81.775 tấn thông qua, tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng quốc tế là động lực chính với 59.624 tấn, tăng trưởng 44% và đóng góp 73% tổng sản lượng.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Yuanta cho rằng ngành hàng không đã qua thời kỳ khó khăn khi giá nhiên liệu không tạo áp lực quá lớn lên biên lợi nhuận, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hoá tiếp tục hồi phục….
Thực tế, lượng khách du lịch đến Việt Nam trong quý đầu năm duy trì đà tăng trưởng cao 72%, đạt 4 triệu lượt người. Xu hướng du lịch bằng đường hàng không tăng hơn so với trước dịch khi tỷ lệ di chuyển bằng đường không ở mức 87 – 89% giai đoạn 2022- 2023, vượt xa mức 80% của năm 2019.
Cổ phiếu hàng không “bay cao”
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực và triển vọng khả quan, cổ phiếu các công ty trong lĩnh vực hàng không có đợt tăng giá mạnh gần đây.
ACV là mã tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi tăng mạnh lên vùng đỉnh lịch sử, trước khi hạ nhiệt về quanh 97.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp rưỡi so với đầu năm. Giá trị vốn hóa tính đến sáng 8/5 đạt hơn 210.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn thị trường.
HVN của Vietnam Airlines thậm chí tăng gần 70% lên 20.450 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 2 năm và giá trị vốn hóa hiện đạt hơn 45.000 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu dịch vụ hàng không khác cũng có tín hiệu khởi sắc gần đây như VJC của Vietjet, SCS, AST, SAS, SGN, ASG, NCT, NCS…