Chuyển về Hà Nội sinh sống cùng các con, bác Hùng (52 tuổi, Bắc Kạn) tìm mua nhà với tài chính dưới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tìm mua nhà từ nhà đất thổ cư đến chung cư, bác Hùng vẫn chưa chốt được căn nào. Trong khi đó, giá nhà đất, chung cư Hà Nội tăng vù vù khiến bác Hùng như “ngồi trên đống lửa”.
Bác Hùng chia sẻ: “Với tầm tài chính 2 tỷ đồng, môi giới dẫn tôi tới xem căn hộ tập thể ở Tân Mai, Hoàng Mai với diện tích trên sổ 25m2, giá 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, môi giới có bảo với tôi căn hộ đã được cơi nới, sửa sang thành 2 phòng ngủ riêng biệt, phòng khách rộng thoáng, khu bếp và vệ sinh rộng rãi, hiện đại nên diện tích sử dụng tầm 60m2. Phương tiện xe cộ để thoải mái trong sân khu tập thể”.
Theo tìm hiểu của bác Hùng, căn hộ tập thể mà môi giới dẫn bác đi xem được xây dựng từ năm 2002, đến nay đã 22 năm. Thế nhưng, tính ra, giá căn hộ này là 60 triệu đồng/m2, đắt không thua kém gì chung cư cao cấp hiện nay.
Hay anh Huy được môi giới dẫn đi xem một căn tập thể tầng 1 ở Tân Mai (Hoàng Mai) có diện tích trên sổ 16,3m2, diện tích sử dụng 55m2 với giá rao bán 2,3 tỷ đồng.
“Tôi choáng váng sau khi đi xem. Bởi trước đó, môi giới báo tôi diện tích 55m2 đến khi đòi xem sổ tôi mới biết diện tích trên sổ bé như vậy. Như vậy, tính theo diện tích trên sổ, căn tập thể này có giá 141 triệu đồng/m2. Giá này ngang với giá biệt thự vùng ven và còn cao hơn cả mấy căn chung cư cao cấp đang mở bán hiện nay”, anh Huy cho biết.
Theo khảo sát, một căn tập thể ở Mai Dịch, Cầu Giấy được rao bán với giá 3,6 tỷ đồng. Chủ nhà cho biết, căn tập thể có diện tích trên sổ 57m2, còn diện tích sử dụng 80m2. Tính theo diện tích trên sổ, căn tập thể này cũng có giá lên tới 63 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, hiện nay, khi rao bán, các chủ nhà đều tính bán theo diện tích sử dụng. Do đó, giá dao động trong khoảng 20-30 triệu đồng/m2. Với mức giá như vậy, một căn tập thể có diện tích sử dụng tầm 50-70m2 có giá tầm 1,5-2,5 tỷ đồng.
Môi giới tên H. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện giao dịch những căn tập thể này tính theo diện tích sử dụng, không dựa trên diện tích trên sổ. Tuy nhiên, vấn đề này khiến nhiều người mua nhà lăn tăn. Bởi thực tế, khi những căn tập thể cũ đi vào quy hoạch sẽ chỉ được đền bù theo diện tích trên sổ. Tuy nhiên, với vị trí thuận lợi và mức giá không quá lớn, nhiều người vẫn chấp nhận xuống tiền.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, người mua căn hộ tập thể cần chú ý đến diện tích thực, diện tích cơi nới. Vì trong quá trình sinh sống, căn hộ tập thể thường được các hộ dân cơi nới thêm “chuồng cọp” rộng hàng chục m2 gây nhiều rủi ro về an toàn, đầu tư với người mua lại.
“Thực tế, tại các căn hộ tập thể cũ, diện tích thực được xây dựng thường rất nhỏ, trong quá trình sinh sống các hộ dân cơi nới thêm diện tích. Thế nên, các diện tích cơi nới này không nằm trong diện tích được cấp theo sổ đỏ, không được xem xét khi chuyển nhượng hoặc trong bồi thường khi khu nhà tập thể phải phá dỡ, xây dựng lại. Do vậy, dù có những thông tin thành phố cải tạo, xây dựng lại tập thể cũ, nơi tiềm năng trở thành vị trí vàng, thì người mua vẫn cần cân nhắc kỹ trước khi mua”, ông Đính cho hay.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, giá bán biệt thự, liền kề ở Hà Nội được giao dịch tăng khoảng 5-15% so với cuối năm 2023. Cụ thể, giá bán dao động trong khoảng 80-220 triệu đồng/m2.
Đơn cử, dự án Geleximco Lê Trọng Tấn, Phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, giá rao bán khoảng 100 – 125 triệu đồng/m2; Dự án Louis City, Đường 70, Phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội; giá rao bán khoảng 180 – 250 triệu đồng/m2…