Sáng 27/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post – mã: VTP). Tại đại hội ban điều hành đã báo cáo cổ đông kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 và kế hoạch 2024.
Theo đó, năm 2023, Viettel Post đạt doanh thu 19.727 tỷ đồng, giảm 9,27% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế 397,8 tỷ đồng, tăng 48,2% so với năm trước đó, ROE 25,02%, tăng 43% so với năm 2022.
Năm 2024, ban điều hành đề xuất kế hoạch doanh thu hợp nhất là 13.189 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2023. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 370 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với năm 2023.
Viettel Post giải trình kế hoạch doanh thu giảm là do doanh nghiệp tiếp tục định hướng thu hẹp mảng bán hàng (sim thẻ điện thoại) để tập trung vào các mảng kinh doanh có biên lợi nhuận tốt hơn là chuyển phát và logistics. Tổng công ty cho biết việc thu hẹp này có ảnh hưởng không đáng kể tới lợi nhuận theo số tuyệt đối và sẽ giúp cải thiện tỷ lệ biên lợi nhuận chung của công ty.
Tại đại hội, ban điều hành cũng đã trình phương án phân chia lợi nhuận, trích lập các quỹ và được thông qua.
Cụ thể, trong số lợi nhuận 378,6 tỷ đồng, Viettel Post trích 195,9 tỷ tương đương 51,7% lợi nhuận sau thuế cho các quỹ: Đầu tư và phát triển; Khen thưởng phúc lợi; thưởng Ban Điều hành, ban kiểm soát và thành viên Hội đồng quản trị. Với 182,6 tỷ còn lại được dùng để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được 1.500 đồng).
Phát biểu tại phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT Viettel Post cho biết năm 2024 Viettel Post sẽ áp dụng nhiều công nghệ mới như: Xây dựng mô hình logistics tinh gọn trực tiếp từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ; ứng dụng công nghệ robot tự hành tại các kho khai thác.
Công ty cũng có kế hoạch đưa vào khai thác 12 đoàn tàu đường sắt nội địa Bắc Nam và liên vận Việt – Trung, cung cấp dịch vụ vận tải, thông quan, vận chuyển container lạnh trong năm nay. Ngoài ra, sẽ triển khai 9 tuyến vận tải xuyên biên giới đường bộ giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Viettel dự kiến mở rộng đầu tư nước ngoài tại Myanmar, Campuchia, Lào; mở văn phòng tại Trung Quốc, Thái Lan tạo hành lang kết nối thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và ASEAN.
Mục tiêu doanh thu gấp 10 sau 5 năm
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tầm nhìn 2024 – 2029, trong đó năm 2028, tổng doanh thu gấp 10 lần năm 2023, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết hàng năm có Nghị quyết HĐQT vừa là mục tiêu vừa giao nhiệm vụ cho ban điều hành thực hiện còn con số 5 năm nữa doanh thu sẽ gấp 10 lần ngày hôm nay mang tính khát vọng, tầm nhìn nhiều hơn.
Khi đánh giá thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các báo cáo cho rằng Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất khu vực ASEAN và là một trong những thị trường tăng trưởng TMĐT cao nhất thế giới, mỗi năm trung bình khoảng 30 – 35%. Nếu Viettel Post đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn thị trường, khoảng 55% thì sau 5 năm sẽ tăng gấp 10 lần.
Đó là con số dự kiến như vậy, còn kế hoạch cụ thể không chỉ phần chuyển phát mà cả phần Supply chain (chuỗi cung ứng). Thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam có tổng giá trị lên tới 200 tỷ USD, trong đó chi phí logistics khoảng 4-5%.
“Tại Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp lớn nào làm logistics cho mảng này và đưa công nghệ vào, Viettel Post đặt mục tiêu xây dựng hệ thống như vậy”, ông Thành cho biết. Ngoài ra, Viettel Post cũng đặt mục tiêu xây dựng đường sắt liên vận và mở rộng hoạt động Myanmar, Campuchia và Trung Quốc.
Tất cả những điều này cho thấy mục tiêu và khát vọng của Viettel Post rằng 5 năm nữa doanh thu của công ty có thể lớn gấp 10 lần hiện nay, CEO Viettel nhấn mạnh.
Theo ông, mỗi năm ban lãnh đạo Viettel Post đều có mục tiêu cụ thể. “Năm 2024, mục tiêu của Viettel Post khi trình với cổ đông là tăng trưởng hơn 30% nhưng ban điều hành tự đặt mục tiêu tăng trưởng 45%”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT Viettel Post cũng cho biết theo quy định của Nhà nước, Tập đoàn Viettel phải có chiến lược 5 năm, trong 5 năm đó có cả các con số mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều phải rõ ràng. Là công ty thành viên của Tập đoàn Viettel, Viettel Post cũng phải đặt mục tiêu cụ thể.
Nếu nói về tương lai Viettel Post có đạt mục tiêu doanh thu tăng gấp 10 lần không thì còn dựa vào các yếu tố quy mô thị trường, lợi thế cạnh tranh, khả năng đầu tư của tập đoàn vào Viettel Post.
“Nếu nói về quá khứ, Viettel đặt ra kế hoạch gì thì cơ bản đều vượt nhưng từng năm một chúng ta sẽ có sự điều chỉnh, ví dụ quy mô doanh thu năm nay tăng lên 30.000 tỷ đồng chúng tôi cũng làm được nhưng ngược lại, Viettel Post dự kiến cắt mảng thẻ cào điện thoại đang có doanh thu khoảng 7.500 tỷ đồng vì hiệu quả thấp”, ông Nam nói.
Năm nay, Viettel Post đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn như chuyển phát xuyên quốc gia, làm cửa khẩu thông minh. Nếu Chính phủ cho phép làm cửa khẩu thông minh, Viettel Post cũng phải đầu tư mất 1-2 năm với nguồn vốn khoảng 200 triệu USD.
“Nếu chúng ta làm những lĩnh vực mới, cơ hội là rất lớn còn nếu không làm thì chỉ tăng trưởng bình thường”, ông Nam nhấn mạnh và cho biết ban lãnh đạo rất sát sao từng tuần, từng tháng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tính chính xác chỉ nhìn thấy trong ngắn hạn nhưng tầm nhìn dài hạn phải lớn.
Liên quan đến vấn đề tại sao doanh thu của Viettel Post phát triển nhanh mà lợi nhuận lại chậm hơn, ông Nam cho rằng khi nói tới lợi nhuận cần quan tâm đến trung bình ngành, nếu phát triển doanh thu mà làm lợi nhuận tụt xuống dưới lợi nhuận của trung bình ngành thì đó là vấn đề. Vì vậy, ban lãnh đạo luôn quan tâm xem lợi nhuận của Viettel Post có đạt được trung bình ngành hay không?
Ví dụ sắp tới, Viettel Post cần đầu tư mạnh hơn cho cửa khẩu thông minh hay các hệ thống logistics quốc gia thì lợi nhuận có thể tụt xuống bởi thời gian đầu giá trị khấu hao sẽ lớn. Với một công ty bưu chính tầm cỡ quốc gia tài sản sẽ rất lớn nhưng với Viettel Post lâu nay đầu tư chưa lớn, tài sản khá thấp.
Thông thường, để phát triển lâu dài các doanh nghiệp sẽ để lợi nhuận thấp và tăng cường đầu tư để gia tăng tài sản nhưng Viettel Post phải cân đối để làm sao mục tiêu vẫn vào được top 1, top 2, top 3 ngành để chiếm được cơ hội nhưng lợi nhuận không thấp hơn trung bình ngành, trả cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng.
“Câu chuyện doanh thu tăng nhanh và lợi nhuận tăng chậm hơn bao giờ cũng xảy ra trong giai đoạn đầu đầu tư”, ông Nam nói.
Cạnh tranh với các đối thủ
Chia sẻ về vấn đề cạnh tranh với các đối thủ, ông Nam cho biết Viettel Post đặt mục tiêu trong mảng bưu chính Viettel Post đang đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 nhưng mục tiêu là phải chiếm thị phần số 1, số 2. Với mảng hạ tầng logistics và chuyển phát quốc gia cũng phải chiếm vị trí thứ 1, thứ 2.
Ông Nam nhấn mạnh Viettel Post phải đặt mục tiêu số 1, số 2 thị trường bởi nếu số 3, số 4 thì về lâu dài sẽ không trụ nổi trên thị trường. Nhìn từ câu chuyện viễn thông Viettel đầu tư ra nước ngoài, khi đã đầu tư hàng nghìn tỷ thì phải chiếm thị phần số 1, số 2 mới có thể hoạt động và phát triển lâu dài.
Thị trường chuyển phát hiện rất cạnh tranh, Viettel Post vẫn cạnh tranh với các đối thủ nhưng không tập trung hoàn toàn. Năm vừa rồi, Viettel Post nhận thấy cơ hội lớn từ logistics mảng B2B và thúc đẩy được tăng trưởng từ mảng này.
Tập đoàn Viettel có lợi thế là đang cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp lớn nên mảng bưu chính cũng có thể khai thác từ lợi thế này. Viettel Post đang tìm cơ hội ở các mảng mới như logistics hay supply chain để tăng lợi nhuận, tạo sức mạnh cho công ty.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết cơ cấu doanh thu chuyển phát của Viettel chiếm hơn 70% nhưng kế hoạch của ban lãnh đạo là cần tăng tỷ trọng doanh thu từ các mảng, giảm tỷ trọng bưu chính để cải thiện biên lợi nhuận.