Mục tiêu lợi nhuận kỷ lục
Chiều 26/4, CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group – Mã: PAN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Năm 2024, PAN Group đề ra kế hoạch doanh thu thuần 14.780 tỷ, lãi sau thuế 882 tỷ; tăng trưởng lần lượt 12% và 8% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 447 tỷ, tăng 10% so với năm ngoái và nếu đạt được sẽ là con số cao kỷ lục của tập đoàn.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết doanh thu hợp nhất quý I đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hợp nhất sau thế tăng 58% lên 168 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 109% lên 83,6 tỷ đồng.
Công ty nhận định năm 2024 được đánh giá tiếp tục là một năm nhiều thử thách cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, tín dụng tiếp tục có những biến động khó lường, và có ảnh hưởng bất lợi tới mở rộng sản xuất kinh doanh.
Lạm phát và lãi suất ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU vẫn ở mức cao và do vậy nhu cầu tiêu dùng và đơn đặt hàng từ các thị trường này phục hồi chưa rõ nét.
Trong khi đó thị trường nội địa cũng mới đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hai năm 2022, 2023 nhiều khó khăn. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty cũng như hợp nhất cho năm 2024 được xây dựng với kịch bản có sự thận trọng nhất định.
Trong kịch bản tích cực hơn, PAN Group kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong trong nửa cuối năm 2024, và có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của PAN.
Lĩnh vực nông nghiệp với các màng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng dự kiến sẽ vẫn có được tốc độ tăng trưởng tốt ở doanh thu tuy nhiên lợi nhuận có thể tăng thấp hơn do ảnh hưởng của biến động giá đầu vào, giá thu mua và tỷ giá tăng cao đang gây bất lợi cho hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra tình hình El Nino sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới các mùa vụ cây trồng, cây ăn quả và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu thụ các sản phẩm bảo vệ thực vật.
Tập đoàn dự báo mảng gạo đóng gói nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan do giá gạo đang neo ở vùng cao, phần nào bù đắp cho các rủi ro và khó khăn trong mảng giống cây trồng và nông dược.
Ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, mảng bánh kẹo dự kiến hoạt động cốt lõi tiếp tục tăng trưởng tốt theo đà hồi phục từ cuối năm 2023; cùng với đó là động lực tăng trưởng mới từ khai thác mạnh hơn thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên mặt bằng một số loại nguyên vật liệu chính như đường, bột mỳ vẫn ở mức cao sẽ làm giảm hiệu quả chung.
Doanh thu mảng bánh kẹo dự kiến tăng trưởng 15%; trong khi đó lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi dự kiến có tăng trưởng ở mức một con số với ước tính tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn năm 2023.
Trong khi đó mảng hạt xuất khẩu nhìn chung có kế hoạch tăng trưởng tốt khi việc bán hàng tới các khách hàng Trung Quốc, Hong Kong phục hồi bên cạnh đó đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản (bắt đầu khai thác từ hai năm trước) cũng sẽ là động lực quan trọng trong trong giai đoạn 5 năm tới của mảng này.
Dự báo doanh thu và lợi nhuận mảng hạt có thể tăng trưởng từ 10% – 15%, do dự kiến năm 2024 khôi phục hoàn toàn được việc bán hàng cho các khách hàng truyền thống cũng như đẩy mạnh được thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó lĩnh vực thủy sản sẽ chưa khởi sắc nhanh, ít nhất trong nửa đầu năm do việc các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU vẫn đang có lạm phát cao và đơn hàng chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng. Ngoài ra các diễn biến của vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ với ngành tôm cũng có thể mang tới các ảnh hưởng bất lợi đồng thời tạo ra các áp lực cạnh tranh về giá từ các quốc gia xuất khẩu tôm khác.
Sau nửa đầu năm, mức độ tiêu thụ được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn trong các kịch bản tích cực về vĩ mô.
Mảng tôm, kế hoạch doanh thu tăng trưởng một con số so với 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến có tăng trưởng cao hơn, từ 12% – 15%; do kỳ vọng biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi và sự giảm nhiệt trong chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi.
Mảng cá tra dự kiến chịu ảnh hưởng lớn từ bối cảnh thị trường xuất khẩu và mặt bằng giá xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện – dự kiến doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng nhẹ ở mức một con số.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, tập đoàn đề xuất trả cổ tức bằng tiền tối thiểu 5% (500 đồng/cp). Bên cạnh đó sẽ trích quỹ phát triển bền vững và R&D 5 tỷ, kinh phí hoạt động và thù lao HĐQT 2 tỷ cùng quỹ khen thưởng, phúc lợi công ty mẹ 1 tỷ.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024 dự kiến sẽ tương tự năm 2023 nếu đạt kế hoạch đề ra.
Phiên thảo luận
Tập đoàn định hướng tập trung mảng nào là chính?
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch tập đoàn PAN: Chúng tôi tập trung cả 3 mảng nông nghiệp, thuỷ sản và thực phẩm đóng gói. Tập đoàn không bỏ mảng nào vì đây đều là các mục tiêu quan trọng. Chúng tôi mong muốn biến nông nghiệp trở thành mũi nhọn của tập đoàn, vươn tầm thế giới. Chúng tôi tập trung cả 3 mảng. Chúng tôi làm tất cả để hỗ trợ cho các công ty thành viên. Mỗi công ty đều có chiến lược riêng để phát triển. Khi chúng tôi làm thương hiệu, huy động vốn, làm những điều này rất tốn kém nhưng trái lại không phải. Chúng tôi vẫn tăng trưởng. Thậm chí những nợ trái phiếu chúng tôi đều trả đúng hạn và không phải tái cơ cấu. Năm nay cũng đã trả cổ tức.
ĐBSCL thiếu nước và xâm nhập mặt. Campuchia xây kênh đào có thể giảm 50% lượng nước. Doanh nghiệp sẽ có định hướng thế nào vì ảnh hưởng đến trồng lúa?
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed): Hiện nay Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều nhất đặc biệt là ĐBSCL. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay vẫn khắc nghiệt. Đến nay mới có trận mưa đầu tiên. Việc biến đổi khí hậu không thể chống lại được. Chúng tôi có giải pháp xa hơn để sống thuận thiên. Kể cả Campuchia có đào kênh đào cũng không thể chống lại được. Chúng tôi phải có giải pháp thích ứng.
Tác động lớn nhất trước mắt về lúa gạo là năng suất, giá gạo. Chúng tôi sẽ chủ động trong chiến lược xây dựng chiến lược. Chúng tôi nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu. Chúng tôi có giống lúa chống chịu mặn và hạn. Chúng tôi cũng có bộ giống chịu hạn. Chính trong những hoàn cảnh ấy là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Tập đoàn PAN luôn có cái nhìn sát sao trong nghiên cứu để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về giá lương thực, thực ra Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn trong số 24 triệu tấn. 60% phục vụ nội địa. Giá thị trưởng nội tiêu thậm chí cao hơn thế giới. Giá trong nước 35.000 đồng/kg nhưng xuất khẩu có 27.000 đồng/tấn.
Nhưng Ấn Độ bắt đầu chuyển đổi hình thức xuất khẩu G to G thay vì B to B. Chúng tôi có chiến lược khác là xây dựng thương hiệu, tập trung vào phân khúc cao cấp. Do đó, giá lương thực cao thì biên lợi nhuận ảnh hưởng.
Việc xây dựng kênh đào của Campuchia là của tương lai. Tất cả doanh nghiệp sẽ là bệ đỡ của nền kinh tế.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta: Con tôm nuôi bản chất ưa độ mặn của biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lúa, cây ăn trái chịu tác động rất lớn. Giải pháp là thay đổi chế độ cạnh tác. Hệ thống chống mặn ở ĐBSCL lớn nhát nước. Ao nuôi cá tra có xu hướng chuyển dịch thượng nguồn. Riêng tôm trong nguy có cơ. Nước mặn cũng là một tài nguyên. Tôm là sản phẩm nuôi phổ biến. Diện tích nuôi sẽ càng mở rộng hơn. Trong nguy vẫn có cơ.
El Nino khiến thời tiết nóng hơn. Sao Ta lần đầu tiên nuôi tôm mùa nghịch thuận lợi. Nuôi tôm lạnh dễ bị bệnh. Nuôi tôm lớn trên toàn bộ 500 ha. Nuôi tôm mùa nghịch giúp giảm giá thành. Đây là góc nhìn tích cực.
Rủi ro từ thị trường Mỹ ra sao khi kinh tế đi xuống và phải đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm?
Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam nhưng riêng với PAN thì Mỹ chỉ đứng thứ hai. Chủ yếu chúng tôi xuất khẩu sang Nhật chiếm 45% còn Mỹ chiếm 30%.
Kinh tế Mỹ đi xuống ảnh hưởng đến sức cầu.
Ngành tôm Việt Nam đang chịu khó khăn trước vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Hiện nay vụ kiện chống bán phá giá hiện thuế là 0% còn chống trợ cấp là 2,84%. Mức thuế cuối cùng có thể công bố vào tháng 8,9 tới.
Với những công ty muốn xuất khẩu sang Mỹ cần có hạch toán chi phí dự phòng khoảng 7 – 8%. Nếu thời điểm tháng 8,9 ngành tôm Việt Nam không bị áp thuế, khoản đó sẽ đưa vào lợi nhuận. Đây không phải là vấn đề quá lớn để âu lo vì PAN tập trung ở Nhật Bản. Ở Mỹ, chúng tôi trung vào sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi hai vụ kiện này. Do đó, đây không phải là vấn đề lớn đối với Sao Ta.
Trong thời gian chờ thuế cuối cùng, các doanh nghiệp khac có thể hạn chế xuất khẩu sang đây vì ngại rủi ro.