Trưa 15/5, sau khi công bố tóm tắt bản án sơ thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội thẩm vấn người đầu tiên là Phan Quốc Việt, cựu chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, bị cấp sơ thẩm phạt 29 năm tù.
“Từ đầu đến cuối bản án chỗ nào cũng có tên bị cáo, liên quan tất cả bị cáo ngồi đây và cả 27 người không kháng cáo; liên quan tất cả bộ ngành, tỉnh thành”, HĐXX thẩm vấn và hỏi Việt “thấy án sơ thẩm quy kết đúng chưa, số tiền thiệt hại chung cả vụ án hơn 1.200 tỷ đồng, đã đúng chưa?”.
Bị cáo Việt nói “tội danh đúng, không thắc mắc”, riêng phần thiệt hại thì “chưa đúng”, vì thế xin tòa xem xét lại việc này, đặc biệt về phần định giá.
Theo bản án sơ thẩm, con số 1.200 tỷ đồng được tính dựa trên giá trị chênh lệch giữa giá trị thật của kit test Covid-19 theo tính toán của cơ quan điều tra (hơn 143.400 đồng/chiếc) so với giá Việt Á bán cho 24 tỉnh thành, hơn 470.000 đồng/chiếc, tức cao gấp hơn 3 lần.
Trước phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo đã nộp thêm 200 triệu đồng khắc phục hậu quả, xin được xét là yếu tố giảm nhẹ. Theo phán quyết sơ thẩm, tổng số tiền ông chủ Việt Á phải bồi thường là hơn 402 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm chiều nay, Việt cho rằng với sai phạm tại 24 tỉnh thành và cơ sở y tế liên quan vụ án, nếu có sai phạm, bị cáo chỉ là đồng phạm chứ không phải chủ mưu. Nếu có thiệt hại, CDC các tỉnh cũng phải cùng bồi thường, chứ không thể quy cho mình Việt.
Theo Việt, không thể nói việc Việt Á bán kit test giá cao là “khống giá”, vì đây là loại hàng hóa Nhà nước không được áp giá mà theo cơ chế thị trường, “nguyên tắc thuận mua vừa bán”.
Khi HĐXX phúc thẩm yêu cầu Việt hạch toán các chi phí sản xuất để chứng minh con số 470.000 đồng, Việt đáp: “Việt Á công bố giá, đơn vị nào chấp thuận thì mua, sau đó Việt Á nộp thuế cho Nhà nước. Hàng này Nhà nước không áp giá nên bị cáo thấy không có nghĩa vụ chứng minh các khoản chi phí sản xuất”.
Trước câu hỏi của đại diện VKS về về công văn của Bộ Tài chính chỉ cho phép “lợi nhuận tối đa của mặt hàng này không quá 5%”, Việt đáp: “Chưa bao giờ nghe, không biết, cũng không ai thông báo”.
Kiểm sát viên khi này nghiêm khắc nhắc nhở: “Ngay từ đầu, bị cáo đã biết đây là đề tài nghiên cứu của Nhà nước, là tài sản Nhà nước sở hữu, nhưng vẫn thông đồng để biến thành của riêng. Thế nên không thể nói là cơ chế thị trường rồi bán giá bao nhiêu thì bán. Có phải của anh không? Mấu chốt của vấn đề là đề tài của Nhà nước, và anh chiếm đoạt nó”.
Trả lời, bị cáo Việt xin xét bối cảnh phạm tội, nói: “Đến bây giờ cũng không được ai hướng dẫn là phải chống dịch như nào để không phạm luật. Nhân đây tại tòa, xin tòa giải đáp cái thắc mắc, để bị cáo đi tù tâm lý cũng thoải mái hơn”.
Trong phiên phúc thẩm, gia đình Việt cũng kháng cáo phần dân sự, đề nghị được tuyên trả lại 54 sổ tiết kiệm của mẹ và các con bị cáo, tổng hơn 142 tỷ đồng. Số tài sản này bị tòa sơ thẩm cho rằng “đều là tài sản có được từ việc bán kit test xét nghiệm của Việt Á” nên không trả lại mà tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án cùng các tài sản khác của Việt.
Trả lời nguồn gốc số tiền này, Việt cho rằng “không liên quan đến khoản hưởng lợi từ vụ án”. Đó là tiền trả nợ mẹ, có được từ “hoạt động khác” của Việt Á, do doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại hàng hóa, không chỉ kit test của vụ án này.
Đại diện VKS lập tức trích đọc lại lời khai của Việt tại cơ quan điều tra, khi đó Việt nói tiền chuyển vào sổ tiết kiệm của mẹ đẻ “là tiền có được từ bán kit test”.
Cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long sáng nay đến tòa với dáng vẻ gầy hơn phiên sơ thẩm. Là một trong 11 người kháng cáo, ông Long thừa nhận hành vi như bản án sơ thẩm cáo buộc, không bào chữa thêm. Trong phần trả lời ngắn ngọn gần một phút, ông cho hay đã tác động gia đình nộp thêm một tỷ đồng để khắc phục chung hậu quả vụ án. Số tiền nhận hối lộ 2,25 triệu USD đã được gia đình ông nộp lại toàn bộ ở giai đoạn sơ thẩm.
Các bị cáo còn lại cùng xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương, là bị cáo duy nhất dù được hưởng án treo (24 tháng) nhưng vẫn kháng cáo.
Trả lời nội dung này trước tòa, ông Phong viện dẫn, lãnh đạo của mình là ông Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương được tòa sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự vì “không tư lợi”, nhiều lần kiên quyết từ chối lợi ích từ Việt Á. “Bị cáo là cấp dưới, chỉ làm theo lệnh lãnh đạo, giờ lãnh đạo được miễn trách nhiệm hình sự, bị cáo cũng xin được tòa ra phán quyết tương tự”, ông nói.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.