Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết tàu Hoegh Gandria chở gần 60.000 tấn khí LNG từ cảng Bintulu Malaysia đã cập bến cảng PV GAS Vũng Tàu an toàn và hoàn thành chuyển giao nhiên liệu phục vụ sản xuất điện cao điểm mùa khô năm 2024.
Đây là chuyến tàu LNG thứ 3 được PV GAS mang về Việt Nam và là chuyến tàu thứ 2 trong năm nay.
Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc “đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới,” PV GAS đã chủ động nhập khẩu gần 60.000 tấn LNG để tiếp tục cung cấp cho các Nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty phát điện 3 (EVNGENCO3) và các khách hàng công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ.
Tương tự như chuyến hàng trên tàu Al Jassasiya được nhập khẩu vào đầu tháng 4/2024 với gần 70.000 tấn LNG, việc tiếp nhận chuyến hàng LNG thứ 3 được PV GAS phối hợp với nhiều đơn vị và các cơ quan chức năng để đảm bảo tiếp nhận tàu an toàn, đúng theo kế hoạch đã thống nhất với nhà cung cấp và chủ tàu LNG.
Vào sáng 30/4, việc nhập hàng đã hoàn thành và tàu Hoegh Gandria rời cảng PV GAS Vũng Tàu vào lúc 11 giờ 30 cùng ngày. Toàn bộ quá trình đón tàu và nhập hàng đều được thực hiện an toàn tuyệt đối, nhịp nhàng và đúng quy định, một lần nữa đã thể hiện năng lực quản lý điều hành chuyên nghiệp, đảm bảo độ tin cậy cao của các nhà cung cấp và vận chuyển LNG trên thế giới đối với PV GAS.
PV GAS là đơn vị được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ dẫn dắt ngành công nghiệp khí của Việt Nam trong khuôn khổ triển khai thị trường năng lượng cạnh tranh theo Quyết định số 2233/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 28/12/2020.
Cho đến thời điểm hiện tại, PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG; đồng thời sở hữu hệ thống Kho cảng LNG hoàn chỉnh tại Việt Nam đã đi vào vận hành từ tháng 7/2023.
Được sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các bộ, ban ngành và Chính phủ, PV GAS đã và đang cùng cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ các nút thắt về chính sách liên quan đến cơ chế và hạ tầng trong công tác triển khai sản phẩm LNG tại Việt Nam.
Trong đó hướng tới mục tiêu PV GAS cùng EVN là các đầu mối nhập khẩu LNG về Việt Nam nhằm tăng lợi thế trong đàm phán, tìm kiếm nguồn cung LNG đa dạng với giá cả cạnh tranh; và tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kho LNG trung tâm (LNG Hub) nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tài nguyên của đất nước; xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng với các quy định cụ thể về cơ chế chuyển ngang giá, bao tiêu khối lượng, nguyên tắc về cước phí, góp phần xây dựng thị trường kinh doanh LNG minh bạch, công bằng và bền vững./.