Chiều 4/4, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – Mã: POW) cho biết đã tổ chức lễ ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn trị giá 300 triệu USD với ngân hàng Citi và ngân hàng ING. Đây là khoản vay nhằm bổ sung vốn cho dự án nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Ngoài khoản vay ngắn hạn 300 triệu USD, PV Power thông tin hiện doanh nghiệp cũng đang làm việc với hai ngân hàng Citi và ING để thu xếp nguồn vốn vay tín dụng xuất khẩu ECA ràng buộc dài hạn trị giá lên tới 600 triệu USD để tài trợ vốn cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4 trong điều kiện không có bảo lãnh của Chính phủ và PVN.
Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 được khởi công xây dựng vào tháng 11/2021 nằm trong Khu công nghiệp (KCN) Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai…
Đây là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành từ cuối năm 2024 – 2025. Song hiện nay dự án này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, vận hành.
Cuối tháng 3, đại diện PV Power cho biết, nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 quy mô 1,4 tỷ USD đã thi công đạt trên 80%, các thiết bị chính về đến công trường và đang lắp đặt để sẵn sàng chạy thử. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là PV Power chưa ký được hợp đồng thuê đất.
“Hạng mục cống hộp trong dự án đang phải tạm ngưng do chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Ông Kèo không cho thi công. Vướng mắc này dẫn đến chậm ký hợp đồng mua bán điện, nguy cơ bị ngừng giải ngân vốn vay, dự án phải dừng lại”, đại diện PV Power nêu vấn đề.
Văn bản số 170/ĐLDK-ĐTXD báo cáo việc thi công bị đình trệ do đơn vị quản lý khu công nghiệp chưa đồng ý cho thi công hạng mục kênh xả nước làm mát tại đoạn giao cắt với đường số 4 khu công nghiệp Ông Kèo. Khúc mắc bắt nguồn từ việc đơn vị quản lý khu công nghiệp đề xuất áp dụng đơn giá phí sử dụng hạ tầng khoảng 100 USD/m2, theo phương thức trả tiền một lần cho suốt vòng đời dự án gồm 4 năm xây dựng và 25 năm vận hành. PV Power lại cho rằng mức phí trên chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Theo PV Power, việc này dẫn đến việc dự án có nguy cơ không hoàn thành tiến độ. Dự kiến, ngoài hàng trăm tỷ đồng tiền phạt và bồi thường cho nhà thầu EPC do chậm tiến độ, phát bao tiêu khí cho nhà cung cấp LNG gây tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu của PV Power.