Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang là tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi liên tục tăng mạnh để quay về mức xấp xỉ đỉnh lịch sử, qua đó đưa giá trị vốn hóa vượt mặt nhiều công ty niêm yết quy mô lớn.
Định giá cao nhất UPCoM
Kết phiên 3/5, ACV tăng gần 7% lên 94.400 đồng/cổ phiếu và nối dài chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp. Thị giá này cao hơn 49% so với thời điểm đầu năm và dần tiến về lại vùng đỉnh lịch sử khoảng 97.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh cổ tức).
Thanh khoản cũng tăng đáng kể trong giai đoạn gần đây, từ mức trung bình năm chỉ hơn 140.000 cổ phiếu/phiên đã nhảy vọt 3 lần lên khoảng 400.000 cổ phiếu/phiên trong một tháng gần nhất.
Đà tăng giá cổ phiếu cũng giúp vốn hóa thị trường của ACV tăng vọt lên 205.500 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD). So với thời điểm đầu năm, con số này đã tăng thêm gấp rưỡi (tức tăng khoảng 67.485 tỷ đồng hay hơn 2,6 tỷ USD).
Vốn hóa này đưa ACV trở thành doanh nghiệp được định giá cao nhất thị trường UPCoM và cao thứ 3 trên thị trường chứng khoán, chỉ xếp sau Vietcombank (517.000 tỷ) và BIDV (283.000 tỷ); đồng thời vượt qua những tên tuổi như Viettel Global, Vinhomes, VietinBank, Hòa Phát, PV Gas, Vingroup…
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng.
Gần 2,18 tỷ cổ phiếu ACV chính thức lên giao dịch trên UPCoM ngày 21/11/2016 với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá ban đầu khoảng 54.400 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
ACV hiện là đơn vị độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước; đồng thời được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn quốc.
Tổng công ty còn sở hữu hai công ty con là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM); cùng với 10 công ty liên kết nổi bật như Sasco, SAGS SCSC…
ACV còn đang triển khai đầu tư của nhiều dự án với tổng giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Lợi nhuận cao kỷ lục
Đà tăng giá được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đến từ ngành hàng không và kết quả kinh doanh đang hồi phục nhanh chóng, nhất là khi ACV là doanh nghiệp thượng nguồn trong ngành nên được kỳ vọng hồi phục sớm nhất.
Thực tế, doanh thu và lợi nhuận ACV liên tục tăng trưởng qua từng năm trước khi Covid-19 xuất hiện. Sau giai đoạn 2020-2021 khó khăn, ACV đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại sau khi đại dịch được đẩy lùi và nhu cầu đi lại cải thiện.
Theo báo cáo năm 2023, ACV phục vụ 113,5 triệu lượt hành khách, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu lượt khách, tăng 173%; tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1,2 triệu tấn; tổng hạ cất cánh đạt 710.000 lượt chuyến.
Doanh thu tổng công ty lần đầu tiên đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 21% so với năm 2022, đạt mức kỷ lục gần 8.500 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm 2024, “gã khổng lồ” hàng không này tiếp tục có bước nhảy vọt trong kinh doanh khi doanh thu thuần đạt 5.644 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi.
Lợi nhuận sau thuế ở mức 2.921 tỷ đồng, tăng 79% so với quý I/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 79% lên 2.917 tỷ. Đây đều là các con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Năm 2024, tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu 20.325 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng đầu năm, doanh nghiệp lần lượt thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận năm.
ACV sở hữu bảng cân đối tài chính lành mạnh với tổng tài sản hơn 67.000 tỷ đồng, phần lớn trong đó là tiền và tiền gửi ngân hàng có tổng giá trị gần 26.600 tỷ đồng. Tổng công ty có vay nợ hơn 10.000 tỷ đồng (chủ yếu được tài trợ bằng vốn ODA), vốn chủ sở hữu đạt hơn 53.000 tỷ đồng.
Dù vậy, ACV cũng đang vướng khoản nợ khó đòi và đã trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng với các hãng hàng không. Lớn nhất là khoản nợ xấu gần 2.200 tỷ đồng tại Bamboo Airways, tiếp đến là 900 tỷ đồng tại Pacific Airlines, 265 tỷ đồng tại Vietnam Airlines…