Đó là siêu dự án cảng Tuas. Theo Channel News Asia, sau khi hoàn thành, Tuas của Singapore sẽ trở thành cảng container tự động hóa hoàn toàn lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, siêu cảng này có khả năng tiếp nhận, xử lý hơn 65 triệu TEU (1 TEU tương đương một container tiêu chuẩn), gấp rưỡi so với công suất của cảng container lớn nhất thế giới hiện nay ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Singapore được coi là điểm dừng chân quan trọng và thường xuyên trên những tuyến đường container kết nối với những nhà máy ở châu Á với người tiêu dùng ở châu Âu, vì có vị trí địa lý đặc biệt là nằm ở phía Nam của bán đảo Malay, cách 30km về phía Tây Nam cảng Johor của Malaysia. Đây là nơi cung cấp kết nối tới hơn 600 cảng ở 123 quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, sau khi siêu cảng Tuas hoàn tất vào năm 2040, đây sẽ là một bước ngoặt lớn góp phần thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia nổi tiếng ở châu Á.
Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 9/2022, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, siêu cảng Tuas là cảng của tương lai và là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia này. Dự án cảng Tuas không chỉ là xây dựng một cảng biển lớn mà còn đại diện cho một mô hình về cảng biển bền vững và hiện đại. Singapore sẽ có cảng hoàn toàn tự động lớn nhất thế giới. Điều đó sẽ giúp nước này trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng hải.
“Cảng Tuas sẽ củng cố vị thế của Sinagpore như một trung tâm hàng hải quốc tế và cho phép nhiều ngành công nghiệp liên quan phát triển“, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.
Theo phương án thiết kế, cảng Tuas được trang bị các công nghệ bền vững, thân thiện với môi trường. Công trình này sẽ được trang bị một đội xe điện không người lái để thực hiện vận chuyển container giữa cầu cảng và sân bãi. Ngoài ra, cảng còn có cần trục tự động gắn trên đường ray chạy bằng điện, máy bay không người lái, sử dụng máy quay và cảm biến laser để đảm bảo độ chính xác… từ đó giảm bớt thủ tục và hạn chế tắc nghẽn.
Siêu cảng thông minh, tự động và bền vững
Quá trình xây dựng dự án Tuas được chia thành 4 giai đoạn, với tổng mức đầu tư lên tới 40 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 với 414 ha (thực hiện xây 2 cầu cảng đón khoảng 20 triệu TEU) đã hoàn thành vào cuối năm 2021, với chi phí 1,76 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2040, Singapore mới hoàn thành việc xây dựng toàn bộ siêu cảng. Khi đó, siêu cảng Tuas sẽ có tổng diện tích lên tới 1.337 ha, đồng thời có khả năng tiếp nhận, xử lý khoảng 65 triệu TEU mỗi năm.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 4/2024, GS Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU), chia sẻ: “Nền kinh tế của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại. Vậy nên, các mối quan hệ ngoại giao hiện tại mà Singapore đang có gần giống như “nguồn sống” cho Singapore. Chúng tôi luôn luôn chú trọng việc này. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng một cảng biển lớn. Đó là Tuas. Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2040. Đây sẽ là một cảng biển mới, thông minh, tự động và bền vững. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng cảng này, chúng tôi áp dụng những công nghệ mới nhất, bền vững nhất và xanh nhất…“.
“Singapore quá nhỏ bé, nên chúng tôi không thể xây ra một cái mà chúng tôi không sử dụng được. Chúng tôi phải xây một cảng biển tối ưu nhất để có thể tối ưu được diện tích dành ra cho cảng này“, GS Lily Kong nhấn mạnh.
Singapore là một quốc đảo, rất khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thành tựu của quốc gia này không phải là một sự tình cờ. Bởi đó là kết quả của sự kết hợp giữa chính sách công nhiều ưu đãi, phát triển quan hệ thương mại với quy mô quốc tế và sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Singapore luôn tiên phong, hiện đại hóa, đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng.
Theo Bloomberg, chiến lược của Singapore là tạo ra sự khác biệt so với những đối thủ cạnh tranh. Bởi thực tế do sự chậm trễ trên toàn cầu đang buộc những con tàu phải suy nghĩ lại xem sẽ dừng ở đâu trên tuyến đường. Mục tiêu của cảng Tuas là làm cho nó hiệu quả hơn để các con tàu có thể thực hiện mọi nhu cầu, từ ngân hàng, tiếp nhiên liệu đến dỡ hàng container, lưu trữ ở đó cho đến khi có tàu tiếp theo.
Ngành hàng hải hiện chiếm khoảng 7% GDP của Singapore và đang tạo ra hơn 170.000 việc làm. Với siêu dự án cảng Tuas đang được triển khai này, dự kiến ngành hàng hải của Singapore sẽ tăng trưởng nhiều hơn. Khi sự phát triển của siêu cảng trở thông minh hơn, điều này cũng tạo ra mối lo ngại về công nghệ sẽ lấy đi các công việc thủ công, đồng thời gia tăng nhu cầu về nhiều nhà khai thác cảng và kỹ sư hàng hải, những người am hiểu công nghệ trong thời gian tới.
Bài viết tham khảo nguồn: CNA, Bloomberg, Maritimeone
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chua-tung-co-singapore-xay-sieu-cong-trinh-tu-ong-lon-nhat-the-gioi-tri-gia-40-ty-usd-a419564.html