Nokia “đi lên mặt trăng”
Từ bỏ những chiếc điện thoại truyền thống sau nhiều năm, Nokia giờ đây có một tham vọng lớn hơn: Đưa 4G lên mặt trăng.
Nhắn tin trên mặt trăng hay truyền phát nội dung trên sao Hỏa không phải điều xa vời như bạn nghĩ. Đó là tầm nhìn chung của NASA và Nokia, hai bên đã hợp tác thiết lập mạng di động trên Mặt trăng nhằm đặt nền móng cho sự hiện diện lâu dài của con người trên các hành tinh.
Một tên lửa SpaceX sẽ phóng trong năm nay mang mạng 4G lên mặt trăng. Tàu đổ bộ sẽ lắp đặt hệ thống ở cực nam của mặt trăng và sau đó sẽ được điều khiển từ xa từ Trái đất.
“Thách thức đầu tiên để thiết lập và vận hành mạng là có một thiết bị mạng di động đủ tiêu chuẩn trên không gian, đáp ứng các yêu cầu về kích thước, trọng lượng và công suất phù hợp cũng như được triển khai mà không cần kỹ thuật viên”, Walt Engelund, phó quản trị viên chương trình tại Ban Điều hành Sứ mệnh Công nghệ Vũ trụ của NASA, nói với CNN.
Thách thức lớn khác là hệ thống sẽ phải hoạt động trong môi trường mặt trăng khắc nghiệt với nhiệt độ và bức xạ gay gắt.
Thiết bị mạng 4G đang được Bell Labs của Nokia xây dựng từ một loạt các thành phần thương mại có sẵn. Nó sẽ được đưa lên tàu đổ bộ do công ty Intuitive Machines của Mỹ sản xuất. Sau khi được triển khai, hệ thống sẽ kết nối tàu đổ bộ thông qua thiết bị vô tuyến với hai phương tiện dò tìm mang sứ mệnh đặc biệt: tìm kiếm băng.
Xe thám hiểm Lunar Outpost sẽ khám phá khu vực Shackleton Connecting Ridge, trong khi phương tiện còn lại Micro-Nova, sẽ lao vào một miệng núi lửa để quét tìm bằng chứng cận cảnh chưa từng có về băng trên Mặt trăng.
Hình ảnh về băng – được truyền trở lại tàu đổ bộ và sau đó là Trái đất gần như theo thời gian thực thông qua mạng di động – sẽ là hình ảnh đầu tiên thế giới được chứng kiến. Băng mặt trăng có thể được sử dụng để tạo ra oxy hô hấp và thậm chí cả nhiên liệu để thực hiện các sứ mệnh sao Hỏa từ Mặt trăng.
Quan trọng không kém không khí
Đối với chương trình Artemis của NASA, mang mục đích đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng trong thập kỷ này, kết nối di động là vô giá.
Engelund cho biết hiện tại, các phi hành gia nói chuyện với nhau bằng radio, nhưng NASA muốn có một hệ thống liên lạc trên mặt trăng có khả năng hỗ trợ dữ liệu khoa học và video có độ phân giải cao, đặc biệt là khi các sứ mệnh của Artemis trở nên phức tạp hơn.
“Có thể liên lạc trên Mặt trăng là điều quan trọng đối với Artemis, điều không kém bất kỳ yếu tố sứ mệnh nào như năng lượng, nước để uống và không khí để thở”, Engelund cho biết.
“Cuối cùng, nỗ lực này sẽ giúp thiết lập một mạng lưới liên lạc trên mặt trăng có thể cung cấp cho các nhà thám hiểm khả năng truyền dữ liệu khoa học, trao đổi với bộ phận kiểm soát và nói chuyện với gia đình, như thể họ đang đi bộ trên phố cùng với điện thoại di động”.
Điều này có thể đặt nền móng cho một mạng Internet ngoài thế giới không khác gì Internet trên Trái đất. Thiết bị cá nhân có thể kết nối vào mạng, cho phép những công dân ngoài không gian sử dụng điện thoại thông minh để truy cập tất cả các ứng dụng và dịch vụ có sẵn cho những người ở Trái đất.
NASA đã chọn Bell Labs của Nokia cho vai trò này, với khoản tài trợ 14,1 triệu USD.
Thierry Klein, chủ tịch của Bell Labs Solutions Research, nói với CNN: “Nền kinh tế mặt trăng trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ truyền thông để thu thập và phân tích dữ liệu, chia sẻ thông tin cũng như duy trì và kiểm soát các hoạt động”.
“Điều này bao gồm duy trì sự hiện diện bán vĩnh viễn hoặc vĩnh viễn của con người trên Mặt trăng, cũng như các hoạt động robot tự động để vận chuyển, khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản và thu thập dữ liệu khoa học”.
Việc triển khai thành công trên mặt trăng cũng mang lại những lợi ích thương mại tiềm năng cho các dự án trên Trái đất.
Nếu một mạng di động có thể chịu đựng được hành trình vào quỹ đạo, sau đó triển khai và tồn tại một cách tự động trong môi trường chân không của không gian, nhiệt độ dao động mạnh và bức xạ vũ trụ, thì mạng đó sẽ dễ dàng tồn tại ở những địa điểm khắc nghiệt nhất trên Trái đất — chẳng hạn như chỏm băng ở vùng cực, sa mạc hoặc ngoài khơi.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/huyen-thoai-nokia-tro-lai-khong-san-xuat-ien-thoai-nua-ma-lam-mot-thu-khien-ban-se-phai-ha-hoc-mom-a419759.html