Tờ Business Insider (BI) cho hay với sản lượng 40 triệu chiếc xe điện mỗi năm của Trung Quốc, nước này sẽ dìm ngập thế giới trong cơn lũ ô tô điện với khả năng tăng trưởng sản lượng vô đối mà không một quốc gia nào bắt kịp.
Thậm chí ngay cả với Tesla, hãng xe điện hàng đầu thế giới hiện nay cũng đang phải đau đầu khi có đến 123 thương hiệu ô tô điện tại Trung Quốc đặt mục tiêu đối đầu đế chế nhà Elon Musk.
Mới đây, ông chủ Tesla đã phải bất ngờ sang thăm Trung Quốc để chào hàng công nghệ xe điện tự lái trong bối cảnh doanh số giảm sút. Xin được nhắc rằng đây là thị trường xe điện lớn nhất thế giới và bản thân Tesla đang mất dần thị phần trước các thương hiệu địa phương.
Với tình hình như vậy, liệu những hãng xe điện non trẻ khác có còn đường sống?
Cơn lũ xe điện
Năm 2019, một hãng xe điện ít tên tuổi là Zhido tại Trung Quốc đã phá sản do chính phủ ngừng trợ cấp khiến doanh số bán hàng sụt giảm.
Thế nhưng bất ngờ thay vào năm 2024, hãng Zhido đã hồi sinh ngoạn mục với dòng xe điện cỡ nhỏ chỉ với giá 4.400 USD, thấp hơn nhiều so với mức bình quân hơn 50.000 USD của Tesla.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay sự hồi sinh của Zhido là nhờ hàng chục quỹ đầu tư bơm vốn mới bất chấp Trung Quốc đang dư thừa sản lượng xe điện.
Với sản lượng 40 triệu chiếc xe điện mỗi năm, Trung Quốc đang dư thừa sản lượng rất nhiều khi nhu cầu nội địa chỉ tiêu thụ được khoảng 22 triệu xe. Đó là chưa kể những người đã mua ô tô điện rồi thì sẽ khó chi thêm tiền mua chiếc thứ 2.
Hậu quả là các hãng xe không chỉ đua nhau giảm giá kích thích doanh số mà còn đang hướng đến thị trường nước ngoài, qua đó tạo nên dòng lũ xe điện giá rẻ, thiết kế đẹp và công nghệ hiện đại, dìm ngập các đối thủ non trẻ khác.
Đó là còn chưa tính đến sản lượng xe xăng thừa của Trung Quốc khi nước này dần chuyển sang ô tô điện.
Vậy là không chỉ dòng lũ xe điện, xứ sở tỷ dân còn đang đe dọa xả lũ ô tô xăng đến các thị trường nước ngoài non trẻ, đe dọa đánh sập các hãng xe khác trên toàn cầu nếu không có cơ chế bảo hộ.
Theo WSJ, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng 5 lần chỉ trong vòng 3 năm, lên khoảng 5 triệu xe vào năm 2023, qua đó vượt Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu xe hơi hàng đầu thế giới.
Elon Musk và Tesla đang phải vật lộn để sinh tồn
Khoảng ¾ số xe hơi xuất khẩu của Trung Quốc năm 2023 là ô tô động cơ đốt trong dùng xăng dầu, đồng nghĩa cơn lũ xe điện vẫn còn chưa thực sự bắt đầu nhưng đã khiến Phương Tây sợ hãi.
Kinh khủng hơn, chính quyền Bắc Kinh dường như không có ý định dừng sự phát triển này lại, qua đó cho thấy khả năng Trung Quốc đang có tham vọng thống trị thị trường xe hơi toàn cầu bằng năng lực của mình.
Tại triển lãm ô tô lớn nhất Trung Quốc là Auto China ở Bắc Kinh mới được tổ chức gần đây, khoảng 300 mẫu xe điện và xe Hybrid đang được trưng bày.
Thậm chí ngay cả đến những thương hiệu điện thoại nổi tiếng như Xiaomi hay Huawei cũng nhảy vào làm xe điện bất chấp thị trường thừa cung.
Phía Xiaomi ban đầu lo lắng họ sẽ phải bán mức giá lỗ trên mỗi chiếc xe điện để cạnh tranh thì mới đây đã tự hào tuyên bố sẽ sớm hòa vốn nhờ lượng đơn đặt hàng cao. Thương hiệu smartphone này đã phải nâng kế hoạch giao hàng lên 100.000 chiếc trong năm nay.
Động lực tăng trưởng
Theo WSJ, câu chuyện phát triển xe điện không chỉ liên quan đến một ngành mà còn là chiến lược sâu rộng cho nền kinh tế.
Bên cạnh tham vọng thống trị ngành ô tô toàn cầu trong tương lai, mảng xe điện sẽ góp phần giúp chính quyền Bắc Kinh giải quyết tình trạng thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vốn là một ngành sản xuất nên các nhà máy xe điện sẽ cần rất nhiều lao động, dù các doanh nghiệp chủ trương tự động hóa để cắt giảm chi phí nhưng nhân lực lại là thứ không thể thiếu hoàn toàn.
Ngoài ra trong bối cảnh nhiều mảng kinh tế giảm tốc như bất động sản, công nghệ, giáo dục…Trung Quốc đang cần một ngành làm động lực tăng trưởng mới.
Số liệu của Viện kinh tế thế giới Kiel tại Đức cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang hỗ trợ vay ưu đãi rất lớn cho các mảng ắc quy, nguyên vật liệu sản xuất xe điện.
Ví dụ như BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã nhận được khoảng 3,5 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ trong khoảng 2018-2022.
Ước tính của chuyên gia Scott Kennedy tại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy Trung Quốc đã chi khoảng 173 tỷ USD trợ cấp ngành xe điện trong khoảng 2009-2022.
Vào tháng 2/2024, thành phố Zhengzhou ở miền trung Trung Quốc đã tuyên bố coi xe điện là động lực sản xuất mới của nền kinh tế địa phương với mục tiêu sản xuất 700.000 chiếc ô tô điện mỗi năm.
Chỉ một tháng sau đó, hãng xe điện Haima Auto đã bị một thực thể quốc doanh tiếp quản. Nhà máy với 3.000 nhân viên này đang gặp khó khăn khi chỉ bán được chưa đến 2.000 chiếc xe điện mỗi năm.
Tuy nhiên sự tham gia của chính phủ đã đem lại cho Haima khoản vốn 27,5 triệu USD. Hiện hãng đã tuyên bố sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Việt Nam hay Nga.
Quay trở lại với Zhido, hãng xe điện giá rẻ này từng phải gánh khoản nợ lên đến 250 triệu USD.
Thế nhưng kể từ khi được tái cơ cấu vào tháng 10/2023 với sự tham gia của hãng quốc doanh China Three Gorges và công ty Geely, doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh số vào năm 2026 và ra mắt thêm 16 mẫu xe mới vào năm 2028.
Sau khi được các quan chức tỉnh Gansu đến thăm và coi đây là động lực tăng mới cho ngành sản xuất địa phương, hãng Zhido đã lên kế hoạch mở rộng nhà máy lên công suất 300.000 chiếc xe điện mỗi năm.
Trước cơn lũ xe điện giá rẻ, thiết kế đẹp, công nghệ cao và được chính phủ hỗ trợ mạnh như vậy, liệu các hãng ô tô non trẻ khác có còn cơ hội?
*Nguồn: WSJ, BI
Theo An ninh Tiền tệ