Nhóm đã tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào ở các khu vực sa mạc, áp dụng các biện pháp như canh tác không cần đất nhiều lớp theo chiều dọc và kiểm soát nguồn ánh sáng nhân tạo giúp lúa phát triển.
Công nghệ này giúp lúa nước có thể canh tác quanh năm và nhân giống nhanh ở các vùng sa mạc, với chu kỳ sinh trưởng chỉ mất 75 ngày, giảm khoảng 40% so với lúa trồng trên các cánh đồng truyền thống.
Ông Vương Sâm, nhà nghiên cứu của IUA, cho biết: “Lần này chúng tôi sử dụng giống lúa mới số 1 của địa phương, áp dụng phương pháp kỹ thuật nhân giống nhanh. Thời gian ươm mạ chỉ mất 15 ngày. Hồi tháng 2, chúng tôi cấy lúa vào máng canh tác không cần đất. Đến nay, toàn bộ chu kỳ sản xuất là 60 ngày”.
Theo nhà khoa học Dương Kỳ Trường, việc tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời ở sa mạc Tân Cương cũng giúp giảm đáng kể chi phí so với thí nghiệm trong nhà máy ở trụ sở của IUA tại Thành Đô:
“Kiểu nhà kính trên sa mạc nối nhau đem lại hiệu quả cao và tiết kiệm năng lượng mà chúng tôi tìm tòi ở Hòa Điền chỉ có giá khoảng 350 nhân dân tệ (hơn 1,2 triệu đồng) một mét vuông, bằng 1/3 nhà kính bằng kính ở Hà Lan. Chi phí tiêu thụ năng lượng cũng chỉ bằng khoảng 25% so với nhà kính của Hà Lan. Trong tương lai, loại nhà kính này có thể được kết hợp với năng lượng mới, cũng như cơ giới hóa, thiết bị và công nghệ thông minh. Khi đó, chi phí xây dựng và vận hành sẽ giảm đáng kể và loại nhà kính này sẽ rất cạnh tranh trên trường quốc tế trong tương lai”.
Không chỉ dừng lại ở lúa nước, nhóm nghiên cứu cũng đang khám phá các công nghệ then chốt để nhân giống nhanh các loại cây trồng chủ lực khác như đậu nành, ngô và lúa mì, cũng như các loại cây lấy hạt có dầu như cải và bông trong các nhà kính trên sa mạc ở Hòa Điền.
Theo VOV
https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-phat-trien-giong-lua-nhanh-trong-nha-kinh-tren-sa-mac-tan-cuong-post1092395.vov