“Đưa chip bán dẫn vào các thiết bị điện tử tiêu dùng cuối thế kỷ 20 đã tạo ra Nhật Bản hóa rồng. Vậy đưa chip AI vào các thiết bị điện tử sẽ tạo ra quốc gia nào hóa rồng?”, Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành bán dẫn đang thay đổi và định hình thế giới chúng ta đang sống. Ngành này đã, đang và sẽ thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, thậm chí đe dọa đến an ninh kinh tế, quốc phòng.
Xu thế này sẽ còn tiếp tục đến ít nhất giữa thế kỷ 21 và Việt Nam đang có lợi thế là trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Nếu lấy Việt Nam làm trung tâm quay một vòng tròn 4-5 giờ bay thì sẽ bao phủ tới 80% ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Lợi thế về địa lý khi gần các chuỗi cung ứng bán dẫn, lại ổn định về địa chính và và còn nằm trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh đang khiến Việt Nam trở thành điểm sáng cho nhiều tập đoàn quốc tế như Nvidia, Apple.
Tuy nhiên đây chưa phải là lợi thế lớn nhất khi chính con người Việt Nam mới là thứ có thể đưa nền kinh tế “hóa rồng” như Nhật Bản nhờ tận dụng cơ hội bán dẫn.
Thông minh, giỏi toán và khoa học công nghệ
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã giành 266 huy chương trên tổng số 282 lượt thí sinh tham dự Olympic toán học quốc tế (IMO) kể từ năm 1974, trong đó 69 huy chương vàng, 115 bạc và 82 đồng.
Nếu tính tổng số huy chương vàng kể từ khi IMO được tổ chức lần đầu vào năm 1959, Việt Nam đứng thứ 8 toàn cầu, xếp trên cả Anh, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
“Người Việt Nam có gen về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, rất hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Lợi thế về gen không kém gì lợi thế về địa chính trị và đây là một lợi thế độc đáo không thể copy”, Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Với lợi thế không thể copy này, Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư ngành bán dẫn để đáp ứng được cơn khát nhân lực toàn cầu, qua đó bắt lấy cơ hội “hóa rồng” như Nhật Bản đã từng làm.
Thật vậy, số liệu của Deloitte cho thấy tổng doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2021 mới chỉ hơn 550 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng hơn 80% lên hơn 1 nghìn tỷ USD năm 2030. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là nhân lực.
Lấy ví dụ ở Mỹ, Deloitte cho biết có chưa đến 100.000 sinh viên tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành kỹ sư điện hay máy tính hàng năm.
Đồng quan điểm, báo cáo của KPMG cho thấy thế giới sẽ thiếu khoảng 900.000 kỹ sư mới trong ngành bán dẫn trị giá 1 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2030. Điều này tương đương với 100.000 kỹ sư mỗi năm khiến nhân lực là khó khăn lớn nhất của ngành này trong 3 năm tới.
Hàng loạt các nền kinh tế đều thiếu nhân lực trong mảng này như Mỹ thiếu 67.000 kỹ sư bán dẫn, Hàn Quốc cần 50.000 kỹ sư trình độ cao. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) cũng cần khoảng 50.000 kỹ sư để đáp ứng đà phát triển của ngành này.
Cờ đến tay ai người đó phất
Trong Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, các chuyên gia đều đồng ý rằng cơ hội của ngành bán dẫn rất lớn và ai cũng nhìn thấy, nhưng vấn đề là ai sẽ tận dụng hết ưu thế để hưởng lợi từ mảng này.
Theo Deloitte, bình quân mỗi lao động ngành bán dẫn tạo ra khoảng 275.000 USD doanh thu, cho thấy khả năng làm giàu cho bản thân lẫn đất nước của mảng này.
Tuy nhiên hiện 80% số chip bán dẫn vẫn được sản xuất ở Đông Á và hơn 90% khâu lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói được thực hiện tại khu vực này.
Rõ ràng trong bối cảnh Phương Tây và nhiều nền kinh tế đổ hàng nghìn tỷ USD phát triển ngành bán dẫn, khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn chưa từng có.
Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay một trong những bước đi của chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn là biến Việt Nam thành trung tâm (Hub) nhân lực toàn cầu trong mảng này.
Chính lợi thế về nhân lực trên sẽ như thỏi nam châm thu hút đầu tư, thiết kế, kiểm thử, đóng gói bán dẫn vào Việt Nam.
Thậm chí Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng lao động Việt Nam đứng đầu thế giới về khả năng phát triển tay nghề kỹ thuật và đây là lợi thế lớn cho xuất khẩu nhân lực ngành bán dẫn.
Chính phủ Việt Nam sẽ ký kết các thỏa thuận với một số quốc gia thiếu hụt nhân lực bán dẫn.
Xin được nhắc rằng dự án nhà máy sản xuất chip của TSMC tại Arizona-Mỹ chuyên cung ứng cho Apple và Nvidia đã phải hoãn đến tận năm 2025 chỉ vì thiếu nhân lực.
Hiện Việt Nam có khoảng 240 trường đại học với gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn. Ngoài ra Việt Nam còn có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Đó là chưa kể đến 600.000-700.000 kỹ sư công nghệ có thể đào tạo thêm trong ngành bán dẫn để sẵn sàng tham gia thị trường.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” được tổ chức ngày 4/5/2024 tại Trường đại học Phenikaa. Đây là trung tâm đào tạo với cơ sở vật chất được đánh giá là bậc nhất Đông Nam Á với cam kết đào tạo 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế từ nay đến năm 2030.
Theo An ninh Tiền tệ